Giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ là gì?
Giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép cho cá nhân/hộ gia đình/tổ chức thực hiện hoạt động xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ bao gồm:
- Xây nhà mới;
- Sửa chữa, cải tạo nhà;
- Di dời công trình nhà ở.
Các hạng mục công trình nhà ở thuộc nhà ở riêng lẻ được quy định tại Luật Nhà ở 2014 bao gồm:
- Công trình biệt thự;
- Công trình nhà ở liền kề;
- Công trình nhà ở độc lập gồm nhà ở cấp 1, nhà ở cấp 2, nhà ở cấp 3, nhà ở cấp 4.
Điều kiện cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ
Quy định về điều kiện cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ sẽ áp theo khu vực đô thị và khu vực nông thôn, chứ không áp theo hạng mục công trình kể trên. Cụ thể Anpha chia sẻ như sau:
1. Điều kiện cấp giấy phép xây dựng nhà ở đô thị
Để được cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị, cá nhân/tổ chức/hộ gia đình phải đáp ứng được các điều kiện sau:
- Thửa đất sử dụng để xây nhà ở phải phù hợp với quy chế quản lý kiến trúc và quy hoạch xây dựng do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước đó;
- Công trình nhà ở phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng;
- Quá trình xây dựng phải đảm bảo an toàn cho công trình nhà ở, các công trình lân cận và yêu cầu về phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường;
- Bảo đảm an toàn hành lang bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi, năng lượng, khu di tích lịch sử – văn hóa, khu di sản văn hóa, hạ tầng kỹ thuật và giao thông;
- Phải đảm bảo khoảng cách an toàn trong xây dựng (khoảng cách từ công trình nhà ở đến công trình dễ cháy nổ, độc hại và các công trình liên quan đến an ninh, quốc phòng);
- Nhà ở có thiết kế xây dựng đáp ứng được các yêu cầu theo quy định;
- Có bộ hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ hợp lệ theo quy định;
- Nhà ở được xây trong tuyến phố, khu vực đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng thì phải phù hợp với quy chế quản lý kiến trúc hoặc thiết kế đô thị do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
2. Điều kiện cấp giấy phép xây dựng nhà ở nông thôn
Để được cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn, cá nhân/tổ chức/hộ gia đình chỉ cần đảm bảo nhà ở được xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn theo quy định.
Hồ sơ, thủ tục xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ (nhà liền kề, nhà cấp 4…)
1. Hồ sơ cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ
➨ Trường hợp xin giấy phép xây dựng nhà ở mới
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 95 Luật Xây dựng 2014, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ gồm:
- Đơn xin cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ;
- Giấy chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định (bản sao);
- Bản vẽ thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ;
- Bản cam kết về đảm bảo an toàn với các công trình liền kề (trường hợp công trình nhà ở có công trình liền kề).
➨ Trường hợp xin giấy phép sửa chữa, cải tạo nhà ở
Theo Điều 47 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định, hồ sơ xin cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo nhà ở riêng lẻ gồm:
- Đơn xin cấp giấy phép cải tạo, sửa chữa nhà ở;
- Giấy chứng minh quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (bản sao);
- Bản vẽ và ảnh chụp hiện trạng của hạng mục, phần công trình đề nghị cải tạo;
- 2 bản vẽ thiết kế xây dựng nhà ở kèm theo giấy chứng nhận thẩm duyệt về PCCC và bản vẽ thẩm duyệt (trường hợp pháp luật về PCCC có yêu cầu);
- Ảnh chụp các công trình lân cận trước khi đi vào sửa chữa, cải tạo;
- 2 bản báo cáo kết quả thẩm tra thiết kế xây dựng nhà ở (tùy trường hợp), bao gồm:
- Bản vẽ mặt bằng của công trình nhà ở trên lô đất kèm theo sơ đồ vị trí;
- Bản vẽ mặt bằng các tầng, mặt đứng và mặt cắt chính của công trình nhà ở;
- Bản vẽ mặt bằng và mặt cắt móng kèm với sơ đồ đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài công trình gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước.
- Bản cam kết về đảm bảo an toàn với các công trình liền kề (trường hợp công trình nhà ở có công trình liền kề).
➨ Trường hợp xin cấp giấy phép di dời công trình nhà ở
Căn cứ theo quy định tại Điều 97 Luật Xây dựng 2014 và Điều 48 Nghị định 15/2021/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép di dời công trình gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép di dời công trình nhà ở;
- Giấy chứng minh quyền sử dụng đất (nơi công trình sẽ di dời đến) và giấy tờ chứng minh quyền sở hữu công trình;
- Bản vẽ hoàn công của công trình (nếu có) hoặc bản vẽ thiết kế mô tả thực trạng của công trình được di dời gồm:
- Bản vẽ mặt bằng công trình;
- Bản vẽ mặt cắt móng;
- Bản vẽ kết cấu chịu lực chính của công trình.
- Bản vẽ bao quát tổng mặt bằng địa điểm mà công trình sẽ được di dời đến;
- Bản vẽ mặt bằng và mặt cắt móng tại địa điểm mà công trình sẽ di dời đến;
- Bản báo cáo kết quả khảo sát đánh giá chất lượng hiện trạng của công trình được thực hiện bởi tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực;
- Phương án di dời được thực hiện bởi tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực gồm:
- Thuyết minh về hiện trạng công trình và khu vực mà công trình sẽ di dời đến;
- Giải pháp bảo đảm an toàn cho người, công trình nhà ở, máy móc, thiết bị và các công trình lân cận;
- Giải pháp di dời và phương án bố trí sử dụng thiết bị, phương tiện, nhân lực;
- Giải pháp bảo đảm vệ sinh môi trường;
- Tiến độ di dời công trình;
- Đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện di dời công trình nhà ở;
- Phần bản vẽ biện pháp thi công di dời công trình.
Lưu ý:
3 loại hồ sơ xin cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ theo từng hạng mục xây dựng kể trên áp dụng cho tất cả các loại công trình nhà ở riêng lẻ như biệt thự, nhà ở liền kề, nhà ở độc lập (nhà ở cấp 1, nhà ở cấp 2, nhà ở cấp 3 và nhà ở cấp 4).
2. Quy trình xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ
Bước 1. Nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ
Cá nhân/tổ chức/hộ gia đình chuẩn bị 2 bộ hồ sơ tương ứng với nhu cầu xây dựng theo hướng dẫn bên trên rồi tiến hành nộp trực tiếp tại Ủy ban nhân dân cấp huyện, nơi dự kiến xây dựng nhà ở.
Bước 2. Ủy ban nhân dân cấp huyện xét duyệt và xử lý hồ sơ
➨ Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ
- Ghi giấy biên nhận cho người nộp nếu hồ sơ đáp ứng đủ yêu cầu theo quy định;
- Hướng dẫn chỉnh sửa, bổ sung nếu hồ sơ không đáp ứng đủ yêu cầu theo quy định.
➨ Thẩm định hồ sơ và kiểm tra thực địa
- Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đáp ứng được yêu cầu theo quy định, UBND cấp huyện thực hiện thẩm định hồ sơ và kiểm tra thực địa;
- Trong quá trình thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng, UBND cấp huyện xác định tài liệu còn thiếu, tài liệu không đúng theo quy định hoặc với thực tế để thông báo cho người nộp yêu cầu bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ:
- Trong thời hạn 5 ngày làm việc, nếu hồ sơ bổ sung chưa đáp ứng được yêu cầu theo văn bản đã thông báo thì tiếp tục gửi thông báo hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ;
- Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận bổ sung hồ sơ, nếu hồ sơ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu theo thông báo thì ra quyết định từ chối cấp giấy phép (có nêu rõ lý do).
➨ Xin ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước
UBND cấp huyện thực hiện đối chiếu điều kiện xin cấp giấy phép xây dựng nhà ở với quy định của Luật Xây dựng 2014 và gửi văn bản xin ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về các lĩnh vực liên quan đến công trình nhà ở.
Lưu ý:
Thời hạn xử lý tối đa là 12 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến. Nếu sau thời hạn kể trên mà UBND cấp huyện vẫn không nhận được văn bản trả lời của cơ quan quản lý nhà nước thì được coi là đã đồng ý và chịu trách nhiệm về nội dung thuộc chức năng quản lý của mình.
Bước 3. Nhận giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ
Sau khi nhận văn bản trả lời của cơ quan quản lý nhà nước về hồ sơ xin ý kiến đối với công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, căn cứ theo quy định hiện hành, UBND cấp huyện ra quyết định:
- Cấp giấy phép xây dựng nhà ở trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng nhà ở hợp lệ;
- Trường hợp đến hạn cấp giấy phép xây dựng nhưng cần phải xem xét thêm (không quá 10 ngày), UBND cấp huyện thực hiện:
- Thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ biết lý do;
- Báo cáo cho cấp trên (cơ quan quản lý trực tiếp UBND cấp huyện) xem xét và chỉ đạo thực hiện.